TOÀN CẢNH THỊ TRƯỜNG XI MĂNG NĂM 2023
Khó khăn, dừng lò, đổi mới sáng tạo, tiết kiệm chi phí là những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong bức tranh toàn cảnh thị trường xi măng năm 2023. Hy vọng năm mới 2024, bức tranh có thêm nhiều gam màu tươi sáng hơn.
Khó nhất 124 năm qua
Năm 2023 là năm khó khăn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 124 năm ngành Xi măng Việt Nam. Khó khăn chồng chất ấy đến từ nội tại ngành và cả yếu tố bên ngoài bất khả kháng. Khó khăn trong nội tại ngành Xi măng là thị trường cung vượt cầu, cả nước có 58 nhà máy, với 83 dây chuyền, công suất thiết kế 112,5 triệu tấn, nhưng do ứng dụng cải tạo chiều sâu nên công suất thực tế lên tới gần 120 triệu tấn/năm, trong khi tiêu thụ xi măng toàn xã hội giảm tới 16,9%, so với năm 2022.
Giải quyết dư thừa bằng cách xuất khẩu nhưng năm 2023 mặc dù xuất khẩu 31,46 triệu tấn, bằng 99,5% so năm 2022 nhưng giá xuất khẩu xi măng, clinker (FOB Quảng Ninh) giảm sâu so với cuối năm 2022, cụ thể, giá xi măng giảm 5 - 6 USD/tấn, giá clinker giảm 9 - 10 USD/tấn.
Yếu tố bất khả kháng liên quan đến giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, mặc dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao. PGS.TS Lương Đức Long - Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định: Giai đoạn này, ngành chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém; giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần; năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5%... Mặt khác, DN xi măng chịu bất lợi khi thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, từ ngày 01/01/2023, không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng.
DN vượt khó bằng cách nào?
Tất cả khó khăn ấy đẩy ngành Xi măng vào thế khó, tiến thoái lưỡng nan; nếu DN đủ sức chống chọi thì đi tiếp; không đủ sức cạnh tranh, không thay đổi buộc phải dừng lại, nhưng nguy cơ đáng lo nhất, một số nhà máy có vốn vay đầu tư lớn (hàng trăm triệu USD), còn nợ ngân hàng nhiều có thể phá sản hoặc bán tháo cho nước ngoài.
Hiện cả nước có 8 dây chuyền sản xuất xi măng phải ngừng hoạt động; nhiều nhà máy phải dừng 1 hoặc 2 dây chuyền để giảm lượng tồn kho. Cảnh dừng lò vì dư thừa công suất lần đầu xảy ra trong lịch sử ngành Xi măng.
Theo tính toán của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2023, cả nước sản xuất và tiêu thụ gần 88,6 triệu tấn xi măng và clinker, đạt gần 79% năng lực sản xuất của 83 dây chuyền, khoảng 70% năng lực thực tế. Tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 đạt 57,083 triệu tấn, bằng 84,3% tiêu thụ nội địa năm 2022.
Một câu hỏi đặt ra: DN ngành Xi măng làm gì để vượt qua khó khăn, thách thức, trong giai đoạn hiện nay? Nghiên cứu cho thấy, mỗi DN sẽ có chiến lược khác nhau để vượt khó. Nhưng điểm chung, một giải pháp hữu hiệu được nhiều DN xi măng lớn thực hiện, đó là đổi mới sáng tạo, hướng tới nền sản xuất xanh, tiết kiệm tài nguyên. Đây cũng là hướng đi tất yếu của ngành Xi măng trong tương lai, hướng đến sản xuất xanh, số hóa sản xuất kinh doanh và kinh tế tuần hoàn.
Là DN xi măng lớn nhất Đông Nam Á, có vai trò dẫn dắt, bình ổn thị trường xi măng Việt Nam, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, VICEM tập trung đổi mới sáng tạo, tiết kiệm chi phí, tăng cường sử dụng rác thải làm nhiên nguyện liệu thay thế, sử dụng bùn thải thay thế sét, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên; nghiên cứu sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo.
Theo ông Đào Nguyên Khánh - Trưởng bộ phận Phát triển bền vững và truyền thông DN Insee Việt Nam, trong khó khăn, Insee Việt Nam “biến nguy thành cơ”, đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tối ưu hóa chi phí sản xuất. Ban Giám đốc công ty quyết định dừng 1 trạm nghiền để tối ưu hóa chi phí, đồng thời gia tăng xử lý chất thải, tăng tỷ lệ thay thế nhiệt. Trạm nghiền Hòn Chông của Insee Việt Nam đạt kỷ lục mới, giảm chi phí và biến phí rất lớn.
Một giải pháp nữa được DN thực hiện đó là tiết giảm chi phí, tái cấu trúc DN, tập trung chuyển đổi số, số hóa trong sản xuất kinh doanh. Cũng phải nhìn nhận một cách biện chứng, khó khăn thách thức DN, khiến họ phải đối mặt, giải quyết nhiều vấn đề hơn, kéo chậm tốc độ phát triển lại; nhưng cũng là động lực buộc DN phải có hướng đi mới, đổi mới và sáng tạo quyết liệt hơn, tạo ra đột phá để phát triển mạnh hơn.
Thị trường năm 2024 có “cửa sáng”?
Nhận định năm 2024 nhu cầu xi măng trong nước khó tăng trưởng cao; việc giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương còn chậm, do vướng mắc về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng... Thị trường BĐS sẽ phục hồi nhưng chưa thể sôi động trở lại. Nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa cầu; một số dây chuyền mới dự báo đi vào sản xuất như: Vissai Đại Dương 2, Xi măng Xuân Sơn...
Nhận diện thách thức của thị trường xuất khẩu, theo Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh: Xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục gặp khó. Thị trường BĐS Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi... Từ tháng 10/2023, châu Âu bắt đầu triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đối với xi măng nhập khẩu nên sẽ là “cửa khó” với DN xuất khẩu xi măng sang châu Âu.
Với góc nhìn lạc quan hơn về thị trường, theo PGS.TS Lương Đức Long - Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, thị trường tiêu thụ xi măng năm 2024 sẽ khá hơn năm 2023. Phân tích lý do, ông Long cho biết: Nước ta đang trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng của nước công nghiệp nên nhu cầu sử dụng xi măng còn nhiều. Với sự quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, hy vọng năm 2024 tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ khá hơn.
Quy luật thông thường là đường tăng trưởng GDP và tăng trưởng xi măng đồng biến; nghĩa là GDP tăng thì tiêu thụ xi măng sẽ tăng. Tăng trưởng tiêu thụ xi măng trong nước từ năm 2013 đến 2023 (bình quân số học) chỉ đạt 2,35%, trong khi bình quân tăng trưởng GDP giai đoạn này là 5,71%. Như vậy, trong 11 năm vừa qua, mức tăng trưởng tiêu thụ xi măng nội địa của Việt Nam thấp.
Để giúp ngành Xi măng vượt qua khó khăn hiện nay, TS Nguyễn Quang Hiệp - Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng: Ngoài đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS; đẩy nhanh đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội thì về chính sách thuế, kiến nghị Chính phủ tạm hoãn việc tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% và tạm giữ mức thuế suất xuất khẩu clinker ở mức cũ 5% thêm 2 năm. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm clinker xuất khẩu, theo hướng sản xuất clinker xuất khẩu không thuộc đối tượng hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng.
Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị: Khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành Xi măng. Có chính sách khuyến khích về thuế, tài chính cho nhà máy sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế. Tạo điều kiện để việc vận chuyển, tái sử dụng các chất thải, rác thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế được thuận tiện. Cần ban hành các quy định, hướng dẫn các nhà máy xi măng thực hiện kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính.
“Lửa thử vàng gian nan thử sức”, khó khăn chỉ là tạm thời, hy vọng năm 2024, thị trường tiêu thụ xi măng sẽ khả quan hơn. Các DN nỗ lực tái cấu trúc, hướng tới sản xuất xanh, bền vững, tiết kiệm tài nguyên.
https://baoxaydung.com.vn/
Vũ Huyền