Đẩy mạnh giải pháp cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường xi măng trong năm 2023
Dự báo trong năm 2023, với tình hình Thế giới diễn biến phức tạp bởi dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraina, có thể một số quốc gia sẽ khủng hoảng, suy thoái về kinh kinh tế. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu xi măng.
Theo số liệu thống kê 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng sản xuất toàn ngành Xi măng ước đạt 65,66 triệu tấn, trong đó Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) chiếm khoảng 31,3% sản lượng sản xuất. Tổng sản lượng tiêu thụ tính đến hết tháng 10 đạt 78,27 triệu tấn. Cụ thể: tại thị trường trong nước ước đạt 51,91 triệu tấn; xuất khẩu xi măng, clinker khoảng 26,36 triệu tấn).
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), rà soát thị phần tiêu thụ, giá bán xi măng tại các vùng miền và giá xuất khẩu thấy có sự dao động từ 1,3 - 2,2 triệu đồng/tấn tùy từng chủng loại, cụ thể: Tại miền Bắc, (chiếm khoảng 37% tổng sản lượng tiêu thụ toàn quốc) có giá bán lẻ dao động từ 1,38 triệu đồng/tấn đến 1,68 triệu đồng/tấn.
Đối với miền Trung và Tây Nguyên (chiếm 26% tổng sản lượng tiêu thụ) giá có tăng nhẹ từ 1,55 - 2,2 triệu đồng/tấn. Trong khi giá bán lẻ từ 1,45 - 1,89 triệu đồng/tấn lại thuộc thị phần miền Nam (chiếm 37% tổng sản lượng tiêu thụ).
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua nhiều giải pháp chỉ đạo đã được Bộ phối hợp cùng Hiệp hội Xi măng Việt Nam quyết liệt triển khai để cân đối, bình ổn thị trường xi măng trong nước. Tiến hành áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác triển khai các đề tài ứng dụng công nghệ như các tận dụng nhiệt thừa khí thải trong các nhà máy xi măng để sản xuất điện. Chính việc tự túc một phần sản lượng điện này góp phần giảm thiểu tác động của việc thiếu điện.
Hay các dự án tận dụng nguồn chất thải của các ngành Công nghiệp (như tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện; hóa chất; rác thải sinh hoạt) để làm nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành Xi măng, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo vệ môi trường.
Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo Tổng Công ty Xi măng Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên doanh tính toán kỹ nhu cầu tiêu thụ xi măng tại khu vực miền Trung, miền Nam và các tỉnh miền núi phía Bắc để bố trí hợp lý việc vận chuyển xi măng, clinker đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là các tháng cao điểm của ngành Xây dựng.
Vụ Vật liệu xây dựng nhận định về sản lượng cả năm 2022 có xu hướng giảm so với năm 2021. Cụ thể: Tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ cả năm 2022 sẽ khoảng 94 triệu tấn (giảm khoảng 10%). Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa là khoảng 63 triệu tấn (bằng năm 2021). Các sản phẩm xi măng, clinker xuất khẩu rơi vào khoảng 31 triệu tấn (giảm 30%).
Dự báo trong năm 2023, với tình hình Thế giới diễn biến phức tạp bởi dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraina, có thể một số quốc gia sẽ khủng hoảng, suy thoái về kinh kinh tế. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu xi măng.