Xuất khẩu xi măng và clinker có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023
Bên cạnh sự suy giảm nhu cầu bất động sản, các doanh nghiệp xi măng còn tiếp tục chịu áp lực từ thị trường xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu xi măng và clinker trong năm qua ghi nhận sụt giảm rất mạnh so với thực hiện của năm ngoái. Thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam được dự báo có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhờ vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Dù trong tháng 12/2022, tình hình xuất khẩu xi măng và clinker tại các thị trường truyền thống như Đài Loan, Bangladesh, Malaysia… đã được cải thiện đáng kể nhưng chưa thể bù đắp được mức giảm của nhiều tháng trước đó.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng yếu đi tại Trung Quốc, xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang thị trường này giảm đáng kể.
Cùng với đó, các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, áp dụng hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận chuyển cao gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, tổng lượng xuất khẩu xi măng, clinker trong năm 2022 chỉ đạt 31,7 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, thị trường xuất khẩu cũng có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhờ vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Điều này cũng có thể giúp giảm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp miền Bắc và miền Trung của Việt Nam.
Cũng ngay trong quý IV/2022, bộ phận phân tích của SSI cũng đã nhận thấy dấu hiệu phục hồi khi xuất khẩu xi măng tăng 32% so với quý trước. Mặc dù vậy thì kênh tiêu thụ này vẫn thể có thể chịu ảnh hưởng từ việc tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên mức 10% từ ngày 1/1/2023 nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản, theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP. Khi thuế, phí nhiều lên, giá xuất khẩu sẽ đắt đỏ hơn, nên các quốc gia nhập khẩu càng phải tính toán nhiều hơn để lựa chọn nhập khẩu từ quốc gia nào có lợi nhất.